Chào mừng Việt Khang & tản mạn đôi điều về sức mạnh âm nhạc trong tranh đấu - Dân Làm Báo

Chào mừng Việt Khang & tản mạn đôi điều về sức mạnh âm nhạc trong tranh đấu

Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Sáng ngày 8/2/2018 tính theo giờ Việt Nam, nhạc sĩ Việt Khang – người đã bị chính quyền cộng sản Hà Nội cầm tù trong 4 năm và 2 năm quản chế, vì "tội" sáng tác và phổ biến hai ca khúc gây chấn động lên tâm tư hàng triệu người Việt, trong nước cũng như ở hải ngoại, được công an cộng sản âm thầm đưa lên chuyến bay của hãng hàng không Đài Loan China Airlines để bay sang Hoa Kỳ tỵ nạn chính trị. Việt Khang đã đến phi trường Los Angeles trưa ngày 8/2/2018 tính theo giờ California, trong không khí hân hoan chào đón của đông đảo đồng hương, giới truyền thông người Việt và trong sự vui mừng của các bạn bè chung chí hướng, đã luôn quan tâm nâng đỡ người nhạc sĩ cô thân độc thế trong cơn hoạn nạn, tích cực vận động chính phủ Hoa Kỳ, nhiều tổ chức quốc tế, những chính trị gia người Mỹ, cụ thể là Nghị sĩ John McCain góp sức trực tiếp, hay gián tiếp can thiệp về trường hợp Việt Khang, trong những lần giao tiếp với chính quyền cộng sản Việt Nam.

Trước hết và với riêng tình cảm cá nhân, tôi xin chúc mừng người nhạc sĩ tài ba và anh hùng đã đến được bến bờ tự do.

Nhạc sĩ Việt Khang, tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Mỹ Tho, miền nam Việt Nam, được cộng đồng dân chúng Việt Nam biết đến rộng rãi từ năm 2011, khi anh đã sáng tác, tự hòa âm và trình bày hai nhạc phẩm "Anh là ai?""Việt Nam tôi đâu?" phổ biến lên mạng Youtube trong tháng 8/2011, có nội dung đánh động mọi người dân Việt Nam phải cảnh báo về hiểm họa mất nước trước dã tâm xâm lăng kiểu tầm thực của Trung cộng, đã liên tục chiếm đất, lấn biển, trong sự tiếp tay bán nước của chính quyền cộng sản Hà Nội, thông qua hành động cho công an ra sức bắt bớ, đàn áp tàn bạo bất kỳ người dân nào đứng lên bày tỏ chính kiến và thái độ chống đối Bắc Kinh, trong các cuộc biểu tình bảo vệ đất nước.

Bài hát Anh là ai là một sự chất vấn ôn hòa của tác giả với một người khác, ẩn dụ bằng đại danh xưng Anh về việc tại sao mắng chưởi, ngăn cản, bắt bớ, đánh đập những người dân Việt Nam - đại diện bằng nhân vật Tôi, đang tham gia vào các cuộc biểu tình bày tỏ tình yêu quê hương, dân tộc và ý chí quyết tâm chống giặc Tàu ngoại xâm (?). Những người dân Việt Nam yêu nước đó đã làm điều gì sai, để anh tuy nói cùng một thứ ngôn ngữ như họ, như tôi, lại có các hành động như vậy. Tuy ẩn dụ, nhưng suốt toàn bộ ca khúc, chỉ danh anh hiện ra rất rõ ràng và cụ thể, trong nghĩa hẹp để chỉ bọn Khuyển, Ưng thuộc lực lượng công an cộng sản và trong nghĩa rộng hơn để chỉ đích danh tập đoàn bán nước Hà Nội đã thần phục và cam tâm làm tay sai cho giặc Tàu, bởi bàn tay bọn chúng nhuộm đầy máu đồng bào. Kết thúc, bài hát khẳng định khi đất nước đang ngả nghiêng vì bọn bán nước, có nguy cơ bị sáp nhập vào Trung cộng là lời tuyên hứa danh thép, cũng là lời kêu gọi ngấm ngầm Tôi và mọi người không thể ngồi yên, không được ngồi yên, phải có hành động để muôn đời con cháu về sau vẫn còn giữ được nguồn cội là người Việt Nam trên Tổ quốc Việt Nam.

Bài hát Việt Nam tôi đâu được tác giả dùng trải nghiệm trước thực tế của mình để nói lên hoàn cảnh hiện tại của đất nước, qua hình ảnh bà Mẹ Việt Nam đang xót thương những người dân lầm than, đói khổ, dưới sự cai trị của một bọn vô lại, tham tàn, chỉ biết vinh thân phì gia, bỏ mặc chủ quyền đất nước cho giặc Tàu tung hoành, chiếm đất, giết dân. Kết thúc, bài hát kêu gọi mọi người con dân Việt Nam yêu nước không nên làm ngơ trước họa ngoại xâm, dù già, trẻ, gái, trai, cũng cần phải đồng lòng, chung sức đứng lên chống lại quân xâm lược và chống bọn cầm quyền nhu nhược, bán nước, hại dân.

Chính hai bài hát này đã là các cú đánh chí mạng vào chế độ cộng sản, gây chấn động mạnh mẽ lên toàn bộ bộ máy cầm quyền, nhất là đối với các lực lượng công an, an ninh, vốn được coi là gươm, là giáp của đảng, bị Việt Khang kêu tên, chỉ mặt đích danh, khiến Hà Nội phải cuống cuồng tìm cách bắt giam và đưa ra tòa xử tội Việt Khang.

Tháng 9/2011 Việt Khang bị an ninh cộng sản bắt tạm giam lần đầu tiên một tuần lễ. Tháng 12/2011 bị bắt lần thứ hai, đưa lên Sài Gòn giam giữ mà không đưa ra một giải thích nào, bưng bít hết mọi tin tức và ngăn cấm triệt để mọi liên lạc giữa Việt Khang với người thân và gia đình.

Hành động đàn áp thô bạo của Hà Nội trong trường hợp Việt Khang, đã khơi dậy một chiến dịch thỉnh nguyện thư quy mô lớn chưa từng có từ ngày 7/2/2012, do người Việt ở khắp nơi trên thế giới tham gia ký tên vào trang mạng We The People gởi thẳng vào tòa Bạch Ốc, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tăng áp lực buộc chế độ Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền, phóng thích tất cả mọi người đang ở tù vì đấu tranh dân chủ trong ôn hòa, đặc biệt là với nhạc sĩ Việt Khang bị Hà Nội cầm tù do "tội" đã sáng tác và phổ biến hai bản nhạc nói lên tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của anh. Trên nguyên tắc vấn đề đệ đạt cần phải thu được tối thiểu 25.000 chữ ký mới được Bạch Cung lưu ý và trả lời. Trong trường hợp Việt Khang, thỉnh nguyện thư của người Việt Nam trên We The People thu được hơn 150.000 chữ ký.

Ngày 30/10/2012 Việt Khang bị nhà cầm quyền cộng sản đưa ra tòa tại Sài Gòn. Để che đậy bộ mặt bán nước, khi bắt giam Việt Khang vì hai bản nhạc tố cáo sự thông đồng của Hà Nội, tiếp tay cho mưu toan xâm chiếm Việt Nam ngày càng lộ liễu của Trung cộng, chế độ cộng sản đã quy chụp, gán ghép người nhạc sĩ tỉnh lẻ cô đơn có tham gia vào một tổ chức vô hình trên mạng điện toán là "Tuổi trẻ yêu nước" (?), có mục đích tập hợp tài liệu, phát tán thông tin, bôi lọ, chống đối nhà nước Việt Nam, để tuyên án phạt 4 năm tù giam, 2 năm quản chế về tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN, theo điều 88 của luật hình sự cộng sản. 

Ngày 14/12/2015 Việt Khang mới mãn án tù, về nhà trong hoàn cảnh gia đình tan nát và bị chính quyền cộng sản chèn ép, gây rất nhiều khó khăn trong cuộc sống về mọi mặt. Tuy nhiên… "Hai đứa con tinh thần này (hai bài hát) chính là hoài bão, nỗi niềm, tình yêu của tôi. Tôi muốn đất nước mình tốt đẹp, bình an và người dân được hạnh phúc, ấm no. Trước những khó khăn và hiểm họa ngoại xâm, hai đứa con tinh thần của tôi đã giúp tôi nói lên sự thật, vì thật sự tôi không thể ngồi im hay lặng yên. Hai bài hát đó tôi cũng không nghĩ là chạm được tới trái tim của nhiều người đến như vậy. Tôi thật sự bất ngờ khi đồng bào trong và ngoài nước quan tâm đến hai bài hát này và quan trọng hơn là quan tâm đến tình hình đất nước. Tôi cũng cám ơn hai đứa con tinh thần của tôi (…). Những gì xảy ra đối với tôi là kết quả, không phải là hậu quả. Tôi không ân hận gì…" (Việt Khang, Phỏng vấn, VOA, 20/12/2015). Nói như Huy Phương, Việt Khang là nhà tranh đấu trẻ tuổi nhất, cũng là người mới nhất phải bỏ nước ra đi, mong sao qua bao nhiêu nghịch cảnh, người nhạc sĩ yêu nước vẫn luôn giữ được ngọn lửa tranh đấu và tình yêu quê hương. Ngọn lửa ấy sẽ là mồi lửa châm bùng lên đám cháy lớn, thiêu đốt bóng tối tà quyền và sẽ mang tươi sáng trong một tương lai rất gần cho quê nhà (Huy Phương, Chào mừng Việt Khang đến Mỹ, 11/2/2018).

Ngay từ buổi sơ khai của nền văn minh nhân loại, âm nhạc đã là hình thái biểu thị cảm xúc nội tâm của con người ra bên ngoài qua nhiều hình thức phong phú và đa dạng, từ lời ca, tiếng hát, tiếng trống, tiếng khèn…được coi là ngôn ngữ trực tiếp của tâm hồn, có thể biểu đạt thành công mọi thông điệp của niềm vui và nổi buồn, của hy vọng và âu lo, cũng như có khả năng truyền tải hiệu quả các ước vọng sâu xa của con người đến với cộng đồng, nên âm nhạc đã nhanh chóng đóng giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần, đối với hầu như mọi nền văn hóa của mọi dân tộc.

Theo văn hào Nga Leo Tolstoy "sức mạnh âm nhạc đã giúp con người cảm nhận được những điều không thể, hiểu được những điều không thể hiểu và biến cái không thể thành cái có thể". Trong khi triết gia Đức Friedrich Hegel - cũng là người gây cảm hứng cho Karl Marx với phương pháp biện chứng, giúp Marx phát triển thành các khái niệm căn bản đầu tiên cho chủ nghĩa duy vật lịch sử - xếp âm nhạc vào cùng nhóm với thơ và múa, bởi trong toàn bộ sáu nhóm nghệ thuật đương thời là kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thơ và múa, thì ba hình thái nghệ thuật sau đều có khả năng gia tăng dần sức mạnh thu phục quần chúng theo thời gian. Cũng theo thời gian, âm nhạc - cũng như các loại hình nghệ thuật khác, rơi vào vòng tranh luận kéo dài liên miên hãy là nghệ thuật vị nghệ thuật, hay vị nhân sinh và chưa bao giờ có dấu hiệu ngã ngũ rạch ròi. 

Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản xuất hiện, dưới ảnh hưởng chi phối bao trùm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, trong quan điểm và lý luận Marxism về mỹ học của người cộng sản, âm nhạc dứt khoát không còn là nghệ thuật vị nghệ thuật, mà phải là sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (Socialist realism), đã được đồng hóa như là một sức mạnh phi gươm giáo, hiệu quả không kém gì các loại vũ khí, phải có tính đảng, phải tuyệt đối phục vụ cho mọi yêu cầu chính trị, từ chính sách, chủ trương và đường lối của đảng, khi tiến hành cuộc cách mạng nổi dậy cướp đoạt chính quyền, đến nhiệm vụ phải bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của chính quyền nhân dân(?).

Theo Hồ Chí Minh, văn nghệ luôn là một trận địa và các văn nghệ sĩ luôn là chiến sĩ xung kích ngay trên trận địa ấy. Thậm xưng hơn đâu đó còn có cả sự ví von của lãnh đạo đảng, cho rằng vài bài hát đúng thời cơ, vài đoàn văn công nhạy bén, có thể có sức công phá đối phương bằng cả một sư đoàn chiến đấu trên chiến trường(?). Do đó suốt trong cả quá trình hoạt động, tồn tại của chế độ, Hà Nội đã nỗ lực gây dựng những phong trào ca hát, nhằm yểm trợ hiệu quả cho mọi chủ trương, đường lối, kế hoạch của đảng cộng sản. Cụ thể nhất như khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm miền nam, phong trào hát cho đồng bào tôi nghe, do đảng cộng sản giật dây, tổ chức trong âm mưu gây rối, lũng đoạn hậu phương miền nam là một thí dụ sinh động điển hình về việc biến âm nhạc trở thành một hành động thách thức chính trị, thông qua việc phô diễn sức mạnh chính trị của một tập thể quần chúng bất bạo động.

Với các kinh nghiệm máu xương đó, khi chế độ Hà Nội mau chóng thực hiện các phản ứng đàn áp dứt khoát, mãnh liệt trong trường hợp nhạc sĩ Việt Khang, thì cũng là một điều tất nhiên và dể hiểu.

Chỉ với hai ca khúc, người nhạc sĩ cô đơn, không thế lực hậu thuẫn, cũng không cầm dao, mang súng, nhưng đã đánh động vào khối óc, con tim và nổi xót xa của hàng triệu con dân Việt Nam còn có lương tri, đang thao thức trước nổi nước mất nhà tan, bóc trần sự thật ê chề chịu mất nước không chịu mất đảng của đảng cộng sản quang vinh (?) và bè lũ cộng sản cầm quyền thối tha, nhu nhược đã và đang cam tâm bán nước theo giặc, khiến chế độ độc tài, đảng trị Hà Nội phải hoảng sợ, phải dùng đến công an và nhà tù để dập tắt ảnh hưởng của tiếng nhạc, lời ca.

Phải nói với trường hợp Việt Khang, mọi người dân Việt Nam cùng khổ, từ người nông dân kêu oan vì bị cướp đất, tước đoạt phương tiện sinh nhai của ông bà để lại, các ngư dân phải bỏ biển tha phương cầu thực sau thảm họa biển chết vì Formosa, người tay trắng phải mang thân đi làm cu li xứ người, còn bị công ty buôn người nhà nước bóc lột tận cùng, đến tín đồ các tôn giáo đang bị chính quyền vô thần bách hại và chung cuộc với tất cả mọi người là con dân Việt Nam, đang cùng chia xẻ mối ưu tư về đất nước tụt hậu, chậm tiến mọi mặt, đạo đức suy đồi và bóng ma Bắc Kinh thì ngày đêm đe dọa cướp đất, lấn biển… đều vô hình trung đã được Việt Khang trang bị một phương tiện đấu tranh trực diện rất đơn giản, nhưng cũng rất hữu hiệu trước cường quyền.

Cụ thể là khi đối diện với những công cụ đàn áp dày đặc của chế độ đang bủa vây khắp nơi, từ lực lượng công an, cảnh sát, an ninh chìm nổi, đến đám ăn theo dân phòng, thanh niên xung phong, mọi phong trào tranh đấu ôn hòa, các cá nhân yêu nước, nên chú ý dùng câu hát, lời ca để làm vũ khí đối phó với dùi cui, khói cay và súng đạn cao su. Hãy cất cao câu hát anh là ai? ở đâu? sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?. Câu hát chất vấn đanh thép, cụ thể sẽ làm cho công cụ bạo lực xấu hổ, cúi đầu và chính nghĩa mạnh lên, gắn bó hơn thêm. Lời ca chính trực sẽ làm ấm lòng người yêu nước và kẻ hung đồ phải sượng sùng, run tay. Bài hát đấu tranh của người Việt sẽ giúp lột mặt nạ, đưa ra ánh sáng bọn Khuyển, Ưng của Trung cộng đang trà trộn trong bộ máy bạo lực của Hà Nội, sẽ bay cao và sẽ góp phần đắc lực trong công cuộc cứu lấy quê hương và làm cho mọi sức mạnh phi nghĩa đều phải thất bại.

2/2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo