Nguyễn Ngọc Bích: Một cái chết rất đẹp - Dân Làm Báo

Nguyễn Ngọc Bích: Một cái chết rất đẹp

Phan Thanh Tâm (Danlambao) - Nhà trí thức dấn thân Nguyễn Ngọc Bích đã có một cái chết đẹp khi anh lìa đời ngày 3/3/16 trên chiếc phi cơ bay hướng về quê hương để đến Manila thủ đô của Phi Luật Tân nhằm trình bày về việc bảo vệ quyền lợi quốc gia và lợi ích dân tộc Việt Nam trong các buổi hội thảo của Tĩnh Hội/Họp Mặt Dân Chủ lần thứ 15 và Hội Nghị về tình hình Biển Đông Nam Á lần thứ hai do bốn tổ chức dân sự gồm hai Việt HMDC, VOICE và hai Phi US Pinoys for Good Governance, Pinoy Patriots United Movement tổ chức; có sự tham dự của một số sinh viên Phi, và sinh viên Việt đang du học tại Manila.

Bút tích của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016)

Anh Bích đã chết quá bất ngờ, quá đột ngột - có người ví như một tráng sĩ ngã gục trên mình ngựa khi ra trận tiền – đã khiến những người quen biết anh sững sờ, hụt hẫng, tiếc thương không nguôi. Đây là sự mất mát to lớn cho cộng đồng, cho Việt Nam vì anh là một chiến sĩ văn hóa hàng đầu của đất nước. Không ai có thể thay thế anh được. Cái quan luận định. Đúng vậy. Sau khi anh qua đời tất cả những ngôn từ hay nhất đều gom về gởi tặng anh. Hãy xem lại buổi tang lễ; hãy đọc các phân ưu, chia buồn và các bài viết của nhiều người, nhiều giới trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới. 

Lẽ dĩ nhiên cũng có lẻ tẻ vài lời dèm pha, dị nghị. Thay vì ngắm cái vẻ rực rỡ, kiêu sa của đóa hoa hồng những người này lại vạch lá tìm sâu. Họ thấy gai. Hóa hồng nào không gai. Nhân vô thập toàn. Anh Bích không phải là thánh nhân. Anh có cái tên vận vào người. Đá nào quí hiếm bằng đá Ngọc Bích. Anh lại có bút hiệu và pháp danh thể hiện tấm lòng tha thiết với quê cha đất tổ: Tâm Việt và Tâm Thiện. Hiếm thấy một trí thức được cộng đồng quí mến, theo dõi và đau buồn khi nghe hồn thiêng anh Bích, một người hoạt động nổi tiếng trong nhiều lãnh vực, đã thoát bay lên giữa không trung bao la vào cõi hư vô. 

Trở về Minnesota từ Manila tôi nhận được số báo đặc biệt về cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích do bà Chủ nhiệm Hoa Thạnh Đốn Việt Báo, Giang Hữu Tuyên gửi tặng. Nhà báo Phạm Trần thực hiện phần bài vở nhằm chia buồn cùng bà Quả Phụ Đào Thị Hợi và Gia Tộc Nguyễn Ngọc. Tờ báo cho thấy cảm tình sâu đậm của đồng hương đối với người quá cố. Tôi hay tin anh Bích từ trần qua anh Đoàn Viết Hoạt khi vừa bước vào khách sạn. Tôi đến Phi để cùng dự họp với anh chị trong HMDC và Voice của Trịnh Hội. 

Nhà báo Ca Dao cho biết thêm anh chị Bích, anh Đoàn Viết Hoạt và Ca Dao cùng bay trên chuyến bay định mệnh TK086. Gặp nhau ở phi trường Istanbul, anh Bích vẫn bình thường, nhanh nhẹn, chỉ có thỉnh thoảng ho. Lên máy bay khoảng hai tiếng đồng hồ thì anh đi toilet, than mệt. Chị Hợi xức dầu, kêu tiếp viên tới. Sau một lúc thì chị Hợi thấy miệng anh Bích cứng. Bác sĩ trên máy bay tới làm CPR trong độ 15 phút thì anh Bích ra đi. Chị Hợi và Ca Dao đã niệm “A Di Đà” cho anh Bích. Một người khách trên máy bay thắp một ngọn nến. Lúc đó, còn bay bảy tiếng nữa mới tới Phi.

Tổ ấm gia đình

Trước 1975 anh Bích là Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã (Viet Tấn Xã) chef của tôi, nhưng tôi không có dịp giao tiếp trực tiếp với anh. Sang đây nhờ các sinh hoạt trong cộng đồng tôi mới hay gặp anh. Tôi nói anh là một trí thức dấn thân vì anh không trùm chăn, thủ truớc, thủ sau; lo toan danh lợi. Anh chữ nghĩa đầy mình, tốt bụng, khiêm tốn, lạc quan. Ai gõ cửa anh cũng mở, sẵn sàng gánh vác mọi việc nếu có yêu cầu. Lúc nào anh cũng bận bịu, lo hết chuyện này, đến chuyện khác. Chưa hề nghe anh phê bình, chê bai một ai. Anh Bích một người không biết nói “NO”. 

Tôi có vài lần ở lại nhà anh qua đêm. Một căn nhà thường thường bậc trung. Bày biện chẳng có gì kiểu cách, sang trọng. Chỉ có sách và sách. Khắp nơi, Trên bàn. Trên kệ. Dưới ghế. Trong góc. Đi đâu anh cũng cầm theo một cuốn đọc dở. Lúc nào trống, rảnh rỗi anh đọc tiếp. Anh không chăm sóc mấy chỗ anh ở. Anh có nhiều căn nhà khác. Nhà Giáo dục; nhà truyền thông; nhà biên khảo; nhà phiên dịch; nhà văn hóa; nhà học giả; nhà ngôn ngữ; nhà hoạt động; nhà trí thức, nhà xã hội; nhà chính trị, nhà sản xuất phim tài liệu, nhà xuất bản sách và nhiều căn nhà không tên khác... Cứ đọc tiểu sử của anh thì biết. Đào đâu ra thì giờ để làm nhiều việc như vây? Đó là câu tôi thường đùa hỏi anh như anh em thân tình.

Bên cạnh anh thường có bóng dáng chị Hợi, một người mà anh thường gọi chị là Bé. A home full of love is called house. Đấy là “nhà tôi”: chị Đào THị Hợi Tiến sĩ Giáo Dục. Một căn cứ địa, một hậu cứ an toàn, một chỗ dựa vững chắc của anh. Anh có một tổ ấm gia đình lý tưởng; một nguồn năng lượng vô tận, giúp anh hoạt động không ngưng nghỉ. Chỗ nào cần là thấy anh. Anh Bích đã chết đẹp và sống đẹp. Tôi nhớ sau buổi tưởng niệm ở nhà quàn bên Manila, mọi người lần lượt ra khỏi phòng. Tôi tần ngần, ái ngại. Một mình chị trong phòng với anh Bích. Chị nhẹ nhàng nói: “Tâm đi họp đi. Chúc thành công”. Một người đàn bà phi thường.

Một giai thoại vê anh Bích. Anh em xâu xé gia đình tất phải đổ. “A house divided against itself cannot stand” (Abraham Lincoln, 1858) là đầu đề bài trả lời những phản ứng chống đối bài tham luận Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí trong đời sống quốc gia và sinh hoạt cộng đồng mà Thẩm phán Phan Quang Tuệ đã đọc ngày 22/7/ 2012 tại Saint Paul, Minnesota. Thẩm phán Tuệ nhờ anh Bích coi lại gấp những câu dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của mình trước khi phổ biến. Anh Bích hơi phàn nàn: “ông ép tôi quá”. Thế nhưng, không ngờ hôm sau anh Bích gởi lại và sửa cho các câu của Phan Quang Tuệ, kể cả cái tựa, khiến tác giả bài trả lời phải thốt lên:” bái phục; anh Bích là sư dịch”.

Dại dột hay hoang tưởng?

Ngoài ra, có thấy anh Bích đến Minnesota hồi tháng 11/2012 ra mắt phim Hồn Việt, Quốc Ca, Quốc Kỳ VNCH lần đầu tiên sau hơn một năm thực hiện mà anh là nhà sản xuất (producer) mới thấy lòng của anh đối với quốc gia đã bị Cộng sản thôn tính. Đây là cuốn phim có nhiều hình ảnh thực đã khiến nhiều người khóc vì nó đã làm sống lại một thời đã qua. Cuốn phim tài liệu thành công vì đã chiếm kỷ lục về nhiều người xem; đã có hai versions Anh Việt. Anh Chu Lynh một thành viên đồng sáng lập Việt Nam Film Club với anh Bích tháng 10/ 2010 cho biết, ngoài phim Hồn Việt, anh Bích còn đóng góp vào việc thực hiện nhiều phim tài liệu và phỏng vấn khác.

Anh Bích chẳng những đã giới thiệu thơ văn xưa và nay của VN ra thế giới và làm sống lại cái hồn của VNCH, anh còn muốn người Việt Nam hiểu rõ hơn cái hồn của nước cờ hoa, nơi anh đã chọn làm quê hương thứ hai và đã sống hơn nửa đời người. Lời bài quốc ca The Star-Spangled Banner của Francis Scott Key, được Quốc Hôi Hoa Kỳ chính thức công nhận ngày March 3, 1931. Ngày March 3 cũng là ngày anh Bích lìa đời. Cách đây hơn mười năm anh gởi cho tôi bản dịch Ngọn Cờ Hoa. May mắn thay tôi còn giữ. Xin trình làng bút tích anh ở đầu bài để chúng ta còn có một cái gì cụ thể nhớ anh. 

Vài năm gần đây anh Bích lao vào mặt trận chính trị. Theo anh, nếu chỉ làm văn hóa không thôi thì hóa ra mình vô tình trước những suy vong của nước non. Phần khác, anh nặng lòng với VNCH từ hồi còn là sinh viên du học. Thập niên 60, các cậu, các cô ra đi từ miền Nam đa số đều thân cộng, thiên tả hay thờ ơ, anh đã dấn thân tranh luận về hai chế độ miền Nam và miền Bắc với nhóm phản chiến ở các đại học Mỹ. Trong một bài báo “Trở Lại Hiệp Định Paris: Nên Chăng?”, viết xong đêm 18/1/2013, tại Đồng Xuân, Bang Trinh-nữ, Hoa-kỳ-Quốc anh đặt câu hỏi “Khó là chắc nhưng có phải là “dại dột hay “hoang tưởng” không?”.

Anh cho rằng, Một hiệp-định quốc-tế, thật ra, không bao giờ tự nó chết cả. Ở đây, có tới hai hiệp-định quốc-tế để ủng-hộ cho cuộc đấu tranh chính-nghĩa của ta, Hiệp-định Hòa-bình Paris 1973 (27/1/1973) và Định-ước Quốc-tế đảm bảo cho việc thực-thi Hiệp-định đó (1/3/1973). Trở lại Hiệp-định Paris có nghĩa là vào năm 1973, ít nhất cũng đến tháng 4/1975, là có một thực-tế do Hiệp-định Genève đẻ ra, đó là đã có hai quốc gia VN với hai thể-chế khác nhau. Hiệp-định Paris nhằm giải-quyết vấn-đề thống nhất VN bằng con đường “hòa-bình,” với không bên nào “thôn tính” bên nào.

Anh Bích đã viện ra bốn trường hợp để biện minh cho việc mình làm: trường hợp ông Theodor Herzl và nước Do Thái; trường hợp người Palestinians; trường hợp lịch sử các nước Đông Âu; trường hợp chính phủ giải phóng De Gaulle. Anh nhấn mạnh, nếu nhìn ngắn hạn bốn trường hợp đó thì thấy nó đều hoang tưởng và dại dột; và người thiếu hiểu biết thường cho những người yêu nước là những người dại dột; bỏ nhà cao, vợ đẹp đi làm chuyện không chắc thành công. Anh viết, nhờ ý tưởng dại dột và hoang tưởng của ông Theodor Herzl mà 40 năm sau mới có một nước Do Thái. Anh cũng mạnh mẽ bác bỏ chuyện nói rằng trở lại Hiệp Định Paris là chủ trương tiếp tục chia đôi đất nước. 

Triết gia, trăng trối hay trăn trối?

Năm 2014 tôi về Hoa thanh Đốn xem hoa anh đào ở lại nhà anh Bích một đêm. Sáng hôm sau anh đưa cho tôi cuốn Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối và nói có rảnh điểm cuốn này đi. Tôi ngần ngại. Sách dày hơn 400 trang về một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Nể anh tôi nhận lời; hỏi anh chừng nào cần bài? Không gấp lắm. Anh trả lời. Theo anh, người Việt mình không thích triết học. Chỉ có triết lý vụn bởi cái tính thực tiễn như loại triết lý “thằng Bờm”. Triết học đòi hỏi những tư duy tập trung, dài hơi, dài hạn để cho cái nhìn trở thành hệ thống. Không phải là ai cũng làm được. Anh thố lộ, hồi trẻ anh có ý tưởng học triết và trở thành triết gia.

Sách phát hành bán rất chạy. Tỏ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của anh Bích phải tái bản hai lấn. Nhiều người mua đọc vì truớc tới nay đã có nhiều tác giả tây ta viết về nhân vật Hồ Chí Minh riêng cuốn Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối là cuốn rất đặc biệt vì sách đã “phân tách sư thật về những hành động khủng khiếp” của họ Hồ bởi một triết gia “lỗi lạc của Việt Nam và thế giới”. Năm 1951 ông bỏ Paris về nước sống; đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Có nhiều phản hồi về bài điểm sách trong đó có người phê bình về cái tựa. Anh Bích đã gởi cho tôi một điện thư giải thích hai chữ này nguyên văn như dưới đây.

On Tuesday, June 17, 2014 8:04 AM, long <….nguyen@aol.com> wrote:

Thân gởi Anh Phan Thanh Tâm
(và xin nhờ Anh chuyển đến cho những ai thắc mắc),

Về vấn-đề chữ "trăng trối" trên bìa sách TRẦN ĐỨC THẢO thì tôi xin thưa như sau:

Có một ngộ-nhận khá phổ-biến là chữ "trăng trối" phải viết là "trăn trối," nghĩa là chữ "trăng" không có "g." Có lẽ ngộ-nhận này xuất phát từ sự gần như đồng-hóa "trăng trối" với "trăn trở," một chuyện khác hoàn-toàn.

Nếu chúng ta giở từ-điển ra xem, chúng ta sẽ thấy hầu hết các từ-điển đều ghi là "trăng trối," thí dụ:

Việt-Nam Tự-điển của Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ, trang 1656.

Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội, ấn-bản 1992, trang 1008.

Tự Điển Việt-Anh của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội, trang 754.

Từ Điển Tiếng Việt của Văn Tân không có "trăng trối" nhưng có "trối trăng," trang 1259.

Vietnamese-English Student Dictionary của Nguyễn Đình Hòa cũng không có "trăng trối" nhưng ở trang 613 có "trối trăng" và nói "xem giối giăng."

Và hầu hết các từ-điển chính-tả Việt-ngữ cũng đều viết "trăng trối."

Không hiểu sao ngộ-nhận "trăng trối" phải viết không "g" có thể phổ-biến đến như thế!

Có hai cách để ta xác-định "trăng trối" bắt buộc phải có "g." Đó là:

Thứ nhất, có lẽ ai cũng dễ dàng đồng-ý "trăng trối" là đảo ngược của "trối trăng," mà "trối trăng" thì không ai viết thành "trối trăn" cả.

Thứ hai, trong tiếng Việt lịch-sử có một sự tương-đồng giữa "tr" và "gi":

trời - giời
trăng - giăng
trả - giả
trao - giao v.v.

Và như vậy thì: trăng trối tương-đồng với giăng giối cũng như trối trăng tương-đồng với giối giăng (không ai nói hay viết "giối giăn" cả).

Mong là các bạn nào thắc mắc đồng-ý với sự phân-tích nói trên.

Và cũng xin Anh Phan Thanh Tâm chuyển giùm giải thích của tôi đến các anh chị em ở Gió O, nhất là nếu Gió O còn muốn giữ sự trong sáng của tiếng Việt! Và có lẽ cũng nên xin Gió O tôn trọng cách viết của tác giả và nhà xuất bản!

Cười nhất là nhiều độc-giả đến Little Saigon Radio (ở Quận Cam) mua cuốn sách xong gọi vào phản-đối chữ "trăng" có "g" trong "trăng trối." Có người còn đi xa đến chỗ đòi trả lại sách và đòi tiền lại! Tôi nói đùa: "Nếu họ đòi thì cứ hoàn trả tiền họ, và để cho họ giữ cái dốt, cái sai của họ."

Thân,

BÍCH
6/17/2014

Một người thầy tuyệt vời

Anh Bích chẳng những lao vào những việc “khó là cái chắc” như anh chủ trương "Trở Lại Hiệp Định Paris" – một việc gây nhiều tranh cãi - mà anh còn làm thầy tại gia. Đó là dạy anh văn qua điện thoại một tuần hai giờ cho một sinh viên ở trong nước hiện bị chế độ chôn vùi vì câu: Tàu Khựa Cút Khỏi Biểm Đông và Đi Chết Đi ĐCSVN. Chuyên dạy lộ ra sau khi anh mất. Anh tình nguyện tu luyện sinh ngữ cho Nguyễn Phương Uyên; vì hay tin, qua đài VOA ngày 20 tháng 1 năm 2014, sinh viên trẻ này bị đuổi khỏi trường và còn không cho học trường nào. Tại tòa, họ chỉ ghi ba năm tù treo, 52 tháng thử thách. Nhưng khi trao bản án họ đã “rất bẩn thỉu ghi thêm vào đó 3 năm quản chế; chôn vùi việc học tập của Uyên”.

Phương Uyên đã tiết lộ trên facebook ngày 3/3/16 rằng, sau khi bị hiệu trưởng Đặng Vũ Ngoạn trường Đại học Công nghiệp thực phẩm buộc thôi học, mặc dù đã tiên liệu trước nhưng cô bị u uất một thời gian. May có một ân nhân, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Thầy đã an ủi, giúp cải thiện anh văn, kiến thức cho cô. Cô kể lại “Thầy nhắc nhở tôi: "Trở thành một người Cựu tù nhân Lương tâm, làm việc cho lương tâm đó là một điều cao quý. Điều này sẽ có ý nghĩa hơn nếu con có thêm được kiến thức và nghị lực. Hãy rèn giũa mình!". Cô nói, “nghe tin Thầy qua đời, tôi viết để nhớ về người thầy tuyệt vời của tôi”. Những dòng này còn được cô gửi đăng trên cuốn Kỹ Yếu nhân 49 ngày anh qua đời. 


Kỷ yều “Tuyển Tập Nguyễn Ngọc Bích: Tấm Lòng Cho Quê Hương” sẽ phát hành ngày 14/5/2016 tại Virginia, San Jose, Orange County, Houston, Dallas, Boston và Paris. Có tới 70 tác gỉa góp bài viết cho tuyển tập. Tin anh Bích lía xa trần thế vì nhồi máu cơ tim là một chấn động cho những người quen biết anh vì anh là một nhân tài, có nhân cách cao quí, rất nhân hậu. Anh học ở trường Tây Chasseloup Laubat Saigon, tú tài triết Pháp, thấm hiểu văn hóa Hoa kỳ, lại thông hiểu chữ nho, tham gia làm Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Tuy đã 79 tuổi thay vì an hưởng tuổi già, thờ ơ mọi chuyên, nhìn mây bay, hoa nở, nghe chim hót; anh lại đi xuôi về ngược; viết lách, dịch thuật không ngưng nghỉ.

Anh Bích là một chiến sĩ văn hóa năng động không chấp nhận bỏ cuộc. Nay anh yên nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang National Memorial Park ở Falls Church, Va. Anh không chết chỉ mờ dần thôi; như câu nói của tướng Mỹ Douglas Mac Arthur Old Soldiers never die, They just fade away (những người lính già không bao giờ chết. Họ chỉ mờ dần đi). Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm với anh và thật khó xóa đi hình ảnh của nhà báo Ca Dao chụp cho thấy thân xác anh nằm bất động dưới sàn phi cơ và đôi giày anh mới mua ở phi trường. Tôi tin anh em bè bạn đã từng sinh hoạt với anh sẽ không bao giờ quên anh và tinh thần Nguyễn Ngọc Bích sẽ như hai câu cuối trong bài Ngọn Cờ Hoa: 

Còn còn bay, còn bay mãi mãi
Trên đất nước những anh hùng.

Saint Paul, MN, April 2016



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo