Đừng quên những mối hại lâu dài - Dân Làm Báo

Đừng quên những mối hại lâu dài

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Danlambao) - Cập nhật Facebook, blog, nhiều trang mạng vào những ngày này có lẽ tin tức được nhiều người đón đọc nhất là thông tin về tình trạng sức khoẻ của tướng Phùng Quang Thanh.

Tình trạng sống-chết, mất-còn, bị bệnh hay bị thanh trừng của một lãnh đạo đảng cộng sản, nhất là một người thân Tàu như Phùng Quang Thanh, thật là đáng quan tâm và tìm hiểu. Tuy nhiên, giữa dòng xoáy tin đồn liên quan đến cá nhân vài lãnh đạo cộng sản trong cơn lốc đấu đá quyền lực nội bộ đảng, chúng ta đừng để nó cuốn đi những sự kiện khác vốn có hệ luỵ nguy hại lâu dài và to lớn đối với dân tộc.

Dự án sân bay Long Thành được Quốc hội vội vã thông qua trong khi lại chần chừ, loanh quanh đối với việc ban hành Nghị quyết biển Đông. Quyết định dồn trên vai người dân khối nợ hàng ngàn tỷ dễ dàng được các đại diện đảng cử gật đầu hơn việc ra tuyên bố cứng rắn đối với tên đồng chí Trung Cộng luôn âm mưu lấn biển, đánh cướp ngư dân Việt Nam.

Chuyện vay nợ hàng ngàn tỷ để xây dựng sân bay làm tăng gánh nặng cho ngân sách quốc gia và đẩy khối nợ công đến mức khổng lồ dễ dàng đạt được sự đồng thuận mà người dân không có bất kỳ ý kiến gì!

Một công trình khác, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam cũng được Bộ Giao thông Vận tải tái khởi động. Tái khởi động trong khi mọi vấn nạn tiêu cực về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật thực hiện, vốn đầu tư và quản trị chi tiêu, thất thoát... có từ những năm trước, khi đề án này bị bác, vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó là sự quan ngại về chất lượng do nhà thầu Tàu đảm nhiệm cũng tiếp tục bị phớt lờ! Từ "ý chí" của Bộ chính trị và những cái gật đầu nhanh chóng của các đảng viên đại biểu quốc hội, dân tộc Việt Nam lại còng lưng gánh thêm một gánh nặng vài ngàn tỷ khác, 

Đây là hai trong số những mối hại lâu dài đối với tương lai gần của người Việt.

Một diễn biến khác lặng lẽ trôi qua trong sự dè dặt của truyền thông lề đảng và ít được quan tâm trên các trang mạng xã hội, đó là việc ký kết khai thác dầu ngoài khơi vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc do Tập đoàn dầu khí Việt Nam công bố hôm 20/06/2015.

Sáu ngày sau khi hiệp định ký kết khai thác, ngày 26/06/2015, giàn khoan HD-981 bắt đầu tiến vào vịnh Bắc Bộ ở khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Tàu.

Tại sao lại là vịnh Bắc Bộ và tại sao HD-981 lại cố ý neo đậu ở khu vực đang phân định hải giới?

Câu trả lời chỉ có thể nhường lại cho các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi qua nhiều đời, đây là lần đầu tiên Việt Nam đồng ý hợp tác khai thác chung với Tàu Cộng ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.

Từ khu vực chồng lấn, Cục an toàn Hàng Hải Trung cộng ra lệnh cấm tàu bè và các phương tiện đường thủy không được tiếp cận giàn khoan HD-981 ở cự ly 2000m trở lên.

Còn hành vi tuyên bố chủ quyền nào "hợp pháp" hơn lệnh cấm ngang ngược này từ phía Bắc Kinh mà Hà Nội vẫn im lặng cho đến tận hôm nay?

Tôi đã đi, đã đứng giữa biển người biểu tình phản đối chống lại việc sử dụng giàn khoan HD-981 để xâm lấn vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014, và tôi thấy cay đắng khi sự xâm lấn này lại diễn ra trong sự im lặng của các lãnh đạo Cộng sản và sự thờ ơ của người dân.

Vận mệnh dân tộc Việt Nam nằm trong tay ai hỡi bạn bè?

Và vì sao chúng ta dễ dàng quên đi những mối hại lâu dài từ Tàu cộng như vậy? Hay chúng ta vẫn nhớ nhưng có những điều gì khác ngăn cản sự lên tiếng và hành động tranh đấu của chúng ta nhằm bảo vệ những gì mà tổ tiên đã đổ mồ hôi xương máu để lại cho thế hệ chúng ta?

03.07.2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo