Nên đi hay ở lại? - Dân Làm Báo

Nên đi hay ở lại?

Vi Q. Dân (Danlambao) - Việc nhiều nhân vật nổi tiếng đấu tranh cho dân chủ Việt Nam bị đi tù rồi sau đó từ nhà tù đi thẳng sang Mỹ là một hiện tượng đặc biệt mà những người quan tâm đến công cuộc đấu tranh cho một Việt Nam dân chủ, tự do cần phải quan tâm và bàn luận cho thấu đáo. Lý do là vì nó có tính ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần đấu tranh của những người khác và nó là biểu hiện của cách đối phó của nhà cầm quyền đối với phong trào đòi tự do, dân chủ. Vì thế tôi xin mạnh dạn trình bày hai suy nghĩ nhỏ sau đây:
Về sự ảnh hưởng đối với giới đấu tranh

Có thể nói việc ra đi, rời trận địa của bất kỳ chiến sĩ nào ở trên bất cứ lãnh vực đấu tranh nào vì bất kỳ lý do gì cũng làm cho những người ở lại những xao xuyến, ngậm ngùi nhất định. Đó là tâm lý thông thường của hoạt động có tính chất phong trào, quần hội, ai cũng muốn có thêm chiến hữu, ai cũng muốn chiến hữu tiếp tục sát cánh bên mình cho tới phút cuối của trận đấu. Do đó, mặc dù những nhân vật đấu tranh nổi tiếng được trả tự do sớm là một điều mừng cho cá nhân, cho phong trào nhưng được tự do trong điều kiện phải rời bỏ hàng ngũ, rời bỏ trận địa đấu tranh là một niềm vui rất không vui trong nội tâm của tất cả những chiến hữu khác. Tuy nhiên gần như sẽ không có ai dám bày tỏ công khai ra điều “rất không vui” đó vì nó dễ bị cho là ích kỷ, hẹp hòi hoặc thậm chí cay nghiệt, ác độc. Nhưng chính việc không nói được ra công khai như thế, sự ảnh hưởng có tính tiêu cực của việc ra đi của người nổi tiếng lại càng có tính tiêu cực hơn, dễ làm lòng người chán nản, mất nhuệ khí, mất niềm tin một cách âm thầm.

Ở một phương diện khác, có thể việc được ra đi sang một xứ sở tự do và giàu có hơn của những người đấu tranh nổi tiếng vô hình chung cũng là động lực cho nhiều người khác phấn khích hơn, đấu tranh mạnh hơn nhưng nhìn kỹ thì động lực này lại có tính chất vụ lợi cho cá nhân là chính và nó có nguy cơ biến một phong trào với lý tưởng cao thượng giành tự do, dân chủ cho cộng đồng, xã hội thành một phong trào âm thầm tư lợi cho cá nhân.

Về phương thức đối phó của nhà cầm quyền

Có thể nói việc đẩy người đấu tranh nổi tiếng ra nước ngoài là một kế sách khá cao tay và thâm độc của nhà cầm quyền. Cao tay là ở chỗ, về mặt hình phạt, luật pháp họ không phải chịu nhượng bộ, thậm chí bản án họ vẫn “treo” trên đầu những người đã ra đi (như đã rõ đối với ông Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn). Đồng thời đối với công luận quốc tế họ cũng vẫn bảo trì được quan điểm chính đáng “đó là những kẻ vi phạm pháp luật nhưng vì lý do nhân đạo chúng tôi chấp nhận cho ra tù”. Như vậy nhà cầm quyền vẫn hoàn toàn giữ thế chủ động đối với đối tượng đã rời khỏi tay họ. Và thâm độc ở chỗ này: họ đã biến những nhân vật có tính chất biểu tượng chí khí, tinh thần cho cuộc đấu tranh thành một đối tượng nhân đạo, đáng được thông cảm thay vì ngưỡng mộ, khâm phục, cuốn hút, đối với cả công luận quốc tế và quốc nội. Nhưng sự thâm độc còn ở chỗ, nhà cầm quyền đã làm cho công luận dần dần không còn dám tin tưởng, cổ vũ hết mình cho bất kỳ một nhân vật đấu tranh mạnh mẽ nào nữa, dù là kiên cường thực sự. Mọi sự ủng hộ sẽ đều phải trong tình trạng phấp phỏng, cảnh giác, cầm chừng. Đó là một phản ứng đúng nhưng rõ ràng là hết sức bất lợi cho phong trào nói chung và những cá nhân kiên cường nói riêng. Tổn hại quả là vô cùng.

Vì vậy, theo tôi, các anh chị đấu tranh làm thế nào để ở lại được trong nước là tốt nhất. Các anh chị sẽ vừa làm cho tinh thần đấu tranh của phong trào ngày càng lên cao vừa làm phá sản phương thức “con buôn, đổi chác” thâm độc của nhà cầm quyền.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo