Hội nghị Thành Đô và lập trường của chúng ta - Dân Làm Báo

Hội nghị Thành Đô và lập trường của chúng ta

Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Hội nghị Thành Đô cho đến ngày hôm nay đối với CSVN vẫn là một “bí mật quốc gia”, nhưng theo người dân VN nhất là những người đấu tranh đòi Dân chủ - tự do vẫn là một sự nhức nhối không thể nào nguôi ngoai được vì vận mệnh quốc gia là một điều thiêng liêng đối với bất cứ dân tộc nào quốc gia nào thì đối với nhân dân VN vẫn là một điều không “tiếp cận” được.

Chính sự không được “tiếp cận” này đã tạo ra một tâm trạng hoài nghi vô cùng lớn trong xã hội VN kể cả những đảng viên CS còn một chút ưu tư về hiện tình đất nước.

Bản thân tôi đã từng nhiều lần đặt vấn đề với các cán bộ an ninh CSVN từ cấp Tỉnh đến cấp Bộ (mỗi lần bị triệu tập để “làm việc” về những bài viết của tôi trên báo mạng) về Công Hàm Phạm Văn Đồng và Hội nghị Thành Đô, nhưng tất cả bọn họ đều khẳng định là “không hề tồn tại” cái Công hàm Phạm văn Đồng cũng như Hội nghị Thành Đô...!?

Cho đến mãi những ngày gần đây khi Trung cộng công khai Công Hàm Phạm Văn Đồng để biện minh cho cái gọi là “chủ quyền” của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì CSVN mới ú ớ phản biện một cách yếu ớt... với những luận điểm khó lòng được nhân dân VN chấp nhận.

Nhưng với Hội nghị Thành Đô đến ngày hôm nay CSVN vẫn giữ thái độ im lặng, một phần vì sự khinh thị, một phần lớn hơn là sự sợ hãi đối với phản ứng có thể có từ nhân dân VN.

Bối cảnh của Hội nghị Thành Đô

Năm 1985, tại Liên xô “thành trì” của “chủ nghĩa Xã hội” trên toàn thế giới diễn ra những biến cố trọng đại và một người có chủ trương cải cách là Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư đảng CS Liên xô- chủ tịch Xô viết tối cao, và đến ngày 15/3/1990 ông trở thành Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô viết.

Mikhail Gorbachev đã làm thay đổi diện mạo và hướng đi của chế độ CS độc tài lớn nhất hành tinh bằng hai chính sách mang tính duy tân là Glasnost và Perestroika, từng bước đưa Liên xô đi vào quỹ đạo Dân chủ

Mùa đông năm 1989, toàn bộ hệ thống CS tại Đông Âu hoàn toàn sụp đổ, một chỗ dựa của CSVN đã chuyển mình hội nhập vào cộng đồng các quốc gia Dân chủ.

Về quân sự Khối Warszawa giải thể đã làm thay đổi cán cân chiến lược toàn cầu có lợi cho Dân chủ, “hòn đá tảng” mà chủ nghĩa CS dùng làm đối trọng với thế giới tự do và xây dựng “sự nghiệp” trên đó đã hoàn toàn tan vỡ.

Những sự kiện trên diễn ra tại Liên Xô và Đông Âu làm cho CSVN chới với, khủng hoảng tột độ, còn Trung cộng thì hoang mang lo sợ.

Hai nhà nước CS lớn nhất thế giới còn lại trên hành tinh chúng ta “không hẹn mà gặp” vì cả hai cùng chia sẻ nỗi lo lắng bị nhân dân đứng lên lật đổ và máu sẽ chảy thành sông vì những tội ác tày trời của họ…

Nhưng dù sao Trung cộng cũng là một nước lớn và đã sớm đi vào cải cách kinh tế theo hướng thị trường từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 nên tình hình kinh tế, chính trị và xã hội khá hơn nhiều so với CSVN.

Trong lúc “tứ cố vô thân” CSVN cần có chỗ dựa chính trị, kinh tế để tồn tại nên đã tự “trói mình” đến khấu đầu nhận tội với Bắc Kinh để được sự che chở của TC.

Theo thông lệ quốc tế việc hai quốc gia có những hiệp ước- hiệp định là chuyện bình thường, nhưng quan hệ VC- TC trước khi Đông Âu và Liên xô tan rã đang ở trong thế đối đầu và mâu thuẫn và Hà Nội theo lệnh của Liên xô không bao giờ coi TC là một nước trong “phe Xã hội chủ nghĩa”..!? Bây giờ lại đi cầu cứu Trung cộng thì cái quan hệ gọi là “hữu nghị” đó không thể nào được xác lập trên tinh thần bình đẳng và tương kính như những mối quan hệ quốc tế khác là một chuyện đương nhiên và ai cũng biết.

Trong mối quan hệ bất tương xứng và bất bình đẳng như vậy Hội nghị Thành Đô tại tỉnh Tứ Xuyên tất nhiên sẽ là một sự “đầu hàng” đúng nghĩa của Hà Nội với Bắc Kinh.

Cũng giống với Công hàm Phạm Văn Đồng, CSVN hoàn toàn giữ bí mật tuyệt đối về công hàm này, cho đến khi TC bạch hóa nó để gây áp lực với VC khi nhận thấy VC chần chừ không muốn thực hiện “cam kết” với Bắc Kinh về biển Đông.

Hiện nay nhân dân VN vẫn không được đảng CSVN cho biết là giữa họ và Bắc Kinh đã có một “Hội nghị Thành Đô” và trong cái gọi là Hội nghị đó đã thỏa thuận những gì?.

CSVN cứ tảng lờ không hề nói gì đến Hội nghị Thành Đô như thể chưa hề có để họ không phải giải thích về sự hiện diện của nó với công luận VN đang đòi hỏi... Đây là một thái độ trịch thượng, cao ngạo của CSVN đối với 90 triệu dân VN- người chủ thực sự của đất nước nhưng bị đối xử như công dân hạng hai...

Điều này nhân dân VN phải xem xét lại thái độ và cách hành xử của mình và nghiêm chỉnh đặt ra cho mình một câu hỏi: tại sao CSVN lại khinh thường nhân dân đến như vậy, phải chăng chúng ta quá hèn?.

Hệ lụy của Hội nghị Thành Đô

Sự bất minh trong thái độ của CSVN làm lưu truyền trong dư luận là CSVN đã cam kết với Trung cộng đến năm 2020 thì VN sẽ bị sát nhập vào Trung cộng với quy chế một tỉnh hoặc một vùng Tự trị!?

Nhưng có thể cũng giống như Công Hàm Phạm Văn Đồng sự hoài nghi của nhân dân VN đối với Hội nghị Thành Đô là không hề sai... chỉ khác nhau ở chỗ là với Hội nghị Thành Đô đất nước Việt Nam mà 4000 năm lịch sử ông cha ta đã đổ bao nhiêu xương máu và trí tuệ để khai phá giữ gìn sẽ vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ thế giới và dân tộc VN với 4000 năm văn hiến sẽ chỉ còn là một sắc dân thiểu số của Trung Hoa!

Nếu Công Hàm Phạm Văn Đồng đã tạo lý cớ cho Trung cộng thôn tính Hoàng Sa - Trường Sa và biển Đông của VN mà CSVN câm như hến không dám phản ứng gì, thì với Hội nghị Thành Đô, Trung cộng sẽ có lý cớ để đem quân chiếm đóng toàn bộ đất nước VN thì cũng là chuyện không phải không thể xảy ra. Vấn đề chỉ là thời gian mà thôi.

Lập trường của chúng ta

Chế độ CSVN hiện nay không đại diện cho nhân dân VN vì họ không được nhân dân VN lựa chọn thông qua một cuộc bầu cử dân chủ đích thực, nên CSVN không có tính chính danh và hợp pháp, vì vậy mọi Hiệp ước- Hiệp định hay cam kết của họ đối với bất cứ quốc gia đối tác nào cũng đều vô giá trị. Nhân dân VN mới là người quyết định sinh mệnh của quốc gia-dân tộc. Hội nghị Thành Đô chỉ là sự thỏa thuận giữa hai đảng CS, không liên quan đến Nhân dân VN và nhân dân VN không bị ràng buộc và chịu trách nhiệm thực hiện những gì đảng CSVN đã cam kết với Trung cộng.

Cho nên việc bạch hóa Hội nghị Thành Đô hay không là hoàn toàn không cần thiết vì tại sao chúng ta phải quan tâm đến một thứ hoàn toàn chẳng có giá trị pháp lý gì đối với nhân dân và đất nước Việt Nam!?




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo